Kẽm là một khoáng chất vô cùng cần thiết với chúng ta, nó có mặt ở rất nhiều phản ứng hóa học quan trọng trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu kẽm có tác dụng gì đối với cơ thể nhé!
Tổng quan về kẽm (zinc)
Kẽm có mặt ở hầu hết các phản ứng sinh hóa tồn tại trong cơ thể con người. Nó là vi chất đứng thứ 2 về mức độ cần thiết cho các phản ứng hóa học, chỉ đứng sau sắt.
Kẽm hỗ trợ cho hơn 300 enzym để thực hiện chức năng ở cả hệ tiêu hóa, thần kinh, nội tiết, tim mạch,... giúp các tế bào phát triển và phân chia, đồng thời cần thiết cho hoạt động của protein và DNA.
Cơ thể chúng ta hấp thụ kẽm qua ruột non, sau đó nó được phân bố đi khắp cơ thể để thực hiện các phản ứng chuyển hóa tại cơ quan chức năng.
Cơ thể con người không có khả năng tự tổng hợp kẽm mà cần phải bổ sung từ nguồn bên ngoài, thông qua đồ ăn, nước uống, thực phẩm bổ sung.
Kẽm được đưa vào cơ thể thường ở dạng kẽm gluconat, kẽm acetat hoặc kẽm sulfate. Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng kẽm rất nhỏ, nhưng những tác dụng của kẽm đem lại thực sự rất quan trọng.
Khoáng chất này được biết đến với rất nhiều tác dụng. Ngày nay, với khoa học hiện đại, công dụng của kẽm càng được các nhà khoa học nghiên cứu và làm sáng tỏ.
Tác dụng của kẽm đối với hệ miễn dịch đã được nhiều người biết đến. Kẽm là hoạt chất không thể thiếu đối với chức năng của tế bào miễn dịch.
Khi thiếu hụt kẽm, tế bào miễn dịch không nhận được tín hiệu từ các cơ quan khác, dẫn đến không thực hiện được đúng chức năng của mình. Từ đó, sức khỏe suy yếu, dễ bị các tác nhân xấu bên ngoài tấn công.
Khi bổ sung đủ kẽm, nó sẽ kích thích cho hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
Kích thích tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả là một tác dụng của kẽm đối với cơ thể
Kẽm đóng vai trò duy trì làn da khoẻ mạnh, thường được lựa chọn để điều trị ở bệnh nhân bị bỏng, lở loét ngoài da do việc bổ sung kẽm sẽ làm tăng tốc độ làm liền vết thương.
Một nghiên cứu đã chứng minh rằng kẽm có khả năng chữa lành vết thương ở những bệnh nhân tiểu đường bị lở loét chân.[1]
Để đạt được hiệu quả lành vết thương tốt nhất, ngoài việc sử dụng kẽm, bạn có thể kết hợp dùng thêm các sản phẩm hỗ trợ ngừa sẹo, giúp vết thương nhanh lành hơn và hạn chế để lại những vết sẹo mất thẩm mỹ.
Quá trình làm lành vết thương cũng có sự tham gia của kẽm
Một tác dụng của kẽm mà nhiều người ít biết đến, đó là kẽm có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác: bệnh nhiễm trùng, viêm phổi, mờ mắt do thoái hóa điểm vàng (AMD),...
Trong một thử nghiệm lâm sàng, những người cao tuổi được uống 45 mg kẽm mỗi ngày đã giảm tỷ lệ nhiễm trùng gần 66%.[2]
Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng, tình trạng thiếu kẽm ở người lớn tuổi làm giảm khả năng miễn dịch, làm tăng tỷ lệ và thời gian bị viêm phổi và tăng thời gian phải sử dụng kháng sinh.[3]
Như vậy, bổ sung đầy đủ kẽm cho người già cũng là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Người cao tuổi cần được bổ sung đầy đủ kẽm để giảm nguy cơ mắc bệnh của tuổi già
Kẽm cũng là một chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do tránh làm tổn thương đến các tế bào, ngăn chặn tình trạng stress oxy hóa. Vì thế, bổ sung kẽm từ thức ăn hoặc thực phẩm chức năng có thể giúp bảo vệ mắt, hạn chế nguy cơ suy giảm thị lực.
Kẽm giúp ngăn stress oxy hóa hạn chế nguy cơ suy giảm thị lực
Kẽm là hoạt chất được sử dụng để điều trị mụn trứng cá do khả năng giảm viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn P.acnes, đồng thời giảm sự hoạt động quá mức của tuyến nhờn. Bệnh nhân có thể bôi các sản phẩm chứa kẽm ngoài da hoặc uống trực tiếp để giảm tình trạng mụn.
Kẽm được sử dụng trong quá trình điều trị mụn
Nếu tình trạng tiêu chảy xảy ra quá lâu thì bệnh nhân nên bổ sung thêm kẽm, đặc biệt là trẻ em. Kẽm sẽ giúp giảm thời gian tiêu chảy và thúc đẩy sự hồi phục của đường ruột cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Kẽm có thể hỗ trợ kiểm soát tình trạng tiêu chảy do cả vi khuẩn và virus. Để hồi phục nhanh và hiệu quả, người bệnh nên vừa bổ sung thêm kẽm vừa dùng men vi sinh để cân bằng lại hệ lợi khuẩn trong đường ruột.
Kẽm giúp tăng tốc độ hồi phục của đường ruột
Stress oxy hóa làm tổn hại rất nhiều đến sức khỏe của con người, là sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể, về lâu dài dẫn đến một số bệnh như tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim, thậm chí là ung thư. Ngoài ra, stress oxy hoá còn góp phần đẩy nhanh quá trình lão hoá.
Kẽm là một chất chống oxy hóa, cung cấp kẽm sẽ hạn chế sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa, hạn chế được tình trạng stress oxy hóa, bảo vệ sức khoẻ.
Quá trình từ tế bào bình thường trở thành tế bào bị stress oxy hóa
Công dụng này của kẽm là nhờ khả năng làm giảm phản ứng oxi hóa và phản ứng tạo ra các chất trung gian gây viêm trong cơ thể con người như: thromboxane, leukotriens và prostaglandin.
Một nghiên cứu cho bệnh nhân sử dụng 45 mg kẽm gluconat mỗi ngày, kéo dài trong 6 tháng. Kết quả đo được nồng độ kẽm trong máu cao, đồng thời giảm các dấu hiệu viêm trong cơ thể.[4]
Canxi là hoạt chất cần thiết nhất cho việc tạo xương. Tuy nhiên để quá trình này diễn ra thuận lợi thì cần sự có mặt của kẽm. Kẽm thúc đẩy sự khoáng hóa xương, kích thích quá trình tạo xương.
Do vậy, với những bệnh nhân loãng xương hoặc có nguy cơ loãng xương, bác sĩ thường chỉ định bổ sung canxi kèm theo kẽm và một số vi chất khác.
Sự hình thành xương mới không thể thiếu khoáng chất kẽm
Cảm lạnh là một triệu chứng bệnh do virus gây ra. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên uống kẽm để tăng cường khả năng đề kháng và hệ thống miễn dịch giúp chống lại virus.
Có thử nghiệm đã chứng minh rằng kẽm giảm thời gian bệnh nhân bị cảm lạnh từ 33 - 35% tuỳ theo hàm lượng sử dụng. Các nghiên cứu trên đã chứng minh được rằng kẽm giúp tăng cường sức đề kháng, tạo điều kiện cho cơ thể chống chọi với bệnh tật. [5]
Nhìn chung sử dụng kẽm để điều trị cảm lạnh còn cần các nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Khi có dấu hiệu cảm lạnh, cảm cúm bạn nên dùng thuốc cảm cúm một cách hợp lý và kết hợp bổ sung vi chất, kẽm để nâng cao hiệu quả, giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe một cách an toàn.
Tuy nhiên, bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn.
Uống kẽm có thể rút ngắn thời gian bị bệnh cảm lạnh
Một nghiên cứu đã chứng minh nồng độ kẽm trong mắt của người già bị thoái hóa điểm vàng (AMD) thấp hơn so với người bình thường. Do đó, thiếu kẽm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thoái hoá điểm vàng do tuổi tác.[2]
Bên cạnh kẽm, người lớn tuổi cũng được khuyến cáo nên bổ sung thêm beta carotene, vitamin C và vitamin E để kiểm soát tình trạng bệnh không trở nặng hơn.
Người lớn tuổi cần bổ sung kẽm
Não cần một lượng lớn kẽm để tăng cường chức năng và cải thiện trí nhớ, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Thiếu kẽm có thể làm trẻ giảm khả năng phát triển trí tuệ, gây ra rối loạn thần kinh ở người lớn và một số bệnh lý thần kinh nghiêm trọng hơn.
Một nghiên cứu về các triệu chứng thần kinh trên khoảng 63 bệnh nhân cho thấy thiếu kẽm dẫn đến các triệu chứng thần kinh bao gồm: đau đầu, dị cảm và mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên.[6]
Kẽm có liên quan đến các triệu chứng thần kinh
Tác dụng của kẽm đối với chức năng sinh dục cũng rất được quan tâm, đặc biệt đối với khả năng sinh sản của nam giới.
Kẽm có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và sự thụ tinh. Nếu thiếu kẽm, chất lượng tinh trùng suy giảm, giảm khả năng di chuyển và giảm cả khả năng thụ tinh với trứng. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều vi chất này cũng gây độc cho tinh trùng.
Ngoài ra, kẽm còn có tác động tích cực đến quá trình tiết testosteron ở nam giới, làm tăng ham muốn tình dục và giảm nguy cơ bị rối loạn cương dương.
Nam giới cần đảm bảo lượng kẽm đầy đủ để tinh trùng phát triển khỏe mạnh
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận tín hiệu thông tin của tế bào thần kinh, nhờ khả năng điều chỉnh kênh ion và tính mềm dẻo thần kinh.
Trong một nghiên cứu khoa học năm 2017, sử dụng kẽm trên một số loài gặm nhấm cho thấy kết quả kẽm có thể tăng cường nhận thức và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ liên quan tới tư duy và trí nhớ.
Ngoài ra, kẽm cũng góp phần vận chuyển canxi vào não nên việc thiếu kẽm khiến sự vận chuyển này bị trở ngại, dễ sinh cáu gắt.
Nếu thiếu kẽm, khả năng ghi nhớ cũng sẽ giảm sút
Không khó để bổ sung kẽm cho cơ thể từ chế độ ăn uống hàng ngày. bạn có thể tham khảo những thực phẩm giàu kẽm dưới đây:
- Hải sản có vỏ: hàu, ngao, tôm, cua,...
- Các loại hạt: đậu nành, đậu đỏ, hạt điều, ….
- Các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt vịt,...
- Các loại cá
- Các chế phẩm từ sữa
- Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, gạo lứt.
Lưu ý rằng kẽm có nguồn gốc từ động vật dễ hấp thu hơn kẽm nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, cung cấp thêm kẽm từ các thực phẩm bổ sung cũng là lựa chọn được bác sĩ khuyên dùng.
Kẽm có nhiều trong thực phẩm hàng ngày
Nguyên nhân thiếu hụt kẽm đa phần là do chế độ ăn uống không cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, bệnh về gan hoặc ung thư cũng khiến khả năng hấp thụ kẽm bị giảm.
Nếu có các biểu hiện sau đây, bạn có thể đang thiếu hụt kẽm, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra nhé:
- Sút cân không rõ nguyên nhân
- Vết thương không lành
- Thiếu tỉnh táo
- Giảm khứu giác, vị giác
- Bệnh tiêu chảy
- Ăn mất ngon
- Vết loét trên da, mụn nhọt
Nếu rụng tóc quá nhiều thì có thể bạn đang thiếu kẽm
Kẽm có thể bổ sung từ nguồn thực phẩm hoặc các sản phẩm thực phẩm chức năng. Hàm lượng kẽm (mg) có trong mỗi 100g thực phẩm:
Hàu |
20,25 |
Đùi cừu |
10 |
Bò nướng |
8.2 |
Hạt bí ngô |
7,5 |
Cua |
6.4 |
Phô mai |
3,55 |
Hạnh nhân |
3,5 |
Yến mạch |
2,35 |
Tôm |
2 |
Muesli |
1.8 |
Đậu đóng hộp |
1 |
Ức gà |
0,8 |
Bánh ngô |
0,7 |
Sữa chua |
0,6 |
Đậu rang |
0,5 |
Hạt điều |
0,5 |
Sữa |
0,35 |
Liều lượng khuyến nghị:
Nam giới cần 11 mg kẽm nguyên tố mỗi ngày, nữ giới cần 8 mg. Phụ nữ có thai và cho con bú cần nhiều kẽm hơn cho cơ thể: từ 11 mg đến 12 mg mỗi ngày.
Lưu ý, để an toàn, bạn không nên bổ sung quá 40 mg kẽm mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này không áp dụng với những người đang bị thiếu kẽm, những người đang cần bổ sung kẽm liều cao.
Các nhà khoa học từ Bệnh viện Osaka-Rosai Nhật Bản đã phát hiện ra rằng bổ sung kẽm có thể giúp cải thiện chức năng gan, làm giảm nguy cơ ung thư gan và các bệnh gan khác.
Trong một nghiên cứu lâm sàng có kiểm soát, các nhà khoa học đã thu thập được 267 bệnh nhân mắc các loại bệnh gan khác nhau, bao gồm viêm gan B và C, xơ gan do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH). Một nhóm được bổ sung kẽm 2 lần/ngày, nhóm còn lại không bổ sung kẽm. Cả 2 nhóm này đều áp dụng chế độ điều trị tiêu chuẩn. Kết quả, 3 năm sau, nhóm dùng kẽm đã cải thiện chức năng gan và giảm các dấu hiệu viêm cũng như giảm nguy cơ phát triển ung thư gan. Trong khi đó, tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân không nhận được kẽm trở nên tồi tệ hơn trong suốt nghiên cứu.
Theo các nhà khoa học, khi thiếu kẽm, trong cơ thể sẽ gây ra sự kích hoạt các tế bào stellate (tế bào hình sao) dẫn đến sự peroxy hóa lipid (là phản ứng phân hủy ôxy hóa khử của lipid), kết quả dẫn đến sự tích tụ chất béo trong gan. Sự tích tụ chất béo này có thể góp phần vào sự phát triển của nhiều bệnh gan, trong đó có ung thư gan. Việc bổ sung kẽm theo khuyến cáo có thể cải thiện sức khỏe gan nói chung.